CÁC CÂU HỎI VÀ GIẢI ĐÁP THẮC MẮC VỀ SỔ ĐỎ
Ngày đăng: 30-03-2020
Sổ đỏ và một trong những vấn đề được mọi người quan tâm nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về vấn đề này. Dưới đây là tổng hợp giải đáp những thắc mắc về Sổ đỏ giúp mọi người có cái nhìn bao quát hơn.
1. Trường hợp nào phải đổi sổ đỏ?
Theo Điểm i, Khoản 2, Điều 17 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện việc chuyển nhượng mà trên trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Một mảnh đất có được cấp sổ đỏ cho nhiều người không?
Căn cứ Khoản 2, Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Từ căn cứ trên, nếu bạn và các đồng sở hữu khác không có yêu cầu cấp chung một giấy chứng nhận thì mỗi người sẽ được cấp một Giấy chứng nhận (vẫn ghi tên đầy đủ của các chủ sở hữu khác). Khi bạn và các đồng sở hữu thực hiện các quyền/nghĩa vụ của người chủ sử dụng/sở hữu tài sản thì cần phải xuất trình tất cả các Giấy chứng nhận đó.
Những điều cần biết về Sổ đỏ
3. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp sổ đỏ ?
Theo quy định tại Điều 105, Luật Đất đai năm 2013, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
a, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước
Ngoài có chức năng ngoại giao.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
b, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
c, Đối với những trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì do cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ.
4. Sổ đỏ căn hộ có thời hạn bao nhiêu năm ?
Giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu căn hộ chung cư chỉ ghi diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ căn hộ theo thời hạn ổn định lâu dài; đối với phần căn hộ thì thời hạn sở hữu được xác định theo hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Theo Điều 99 Luật Nhà ở 2014, thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định căn cứ vào cấp công trình xây dựng và kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư.
Như vậy, mặc dù chủ đầu tư được giao đất có thời hạn nhưng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ sở hữu căn hộ sẽ được ghi nhận là chủ sở hữu chung đối với quyền sử dụng đất với thời hạn ổn định lâu dài. Thời hạn sở hữu căn hộ phụ thuộc vào cấp công trình, chất lượng xây dựng của căn hộ và hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ.
Nguồn: Internet.
Địa Ốc Vàng sưu tầm!