Đại dịch khiến 80% các sàn giao dịch BĐS phải tạm dừng hoạt động
Ngày đăng: 14-08-2021
Nửa đầu năm 2021, dù đại dịch hoành hành nhưng kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến khoảng 80 % các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới phải tạm dừng hoạt động.
Vốn FDI vào bất động sản tiếp tục tăng
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh (tăng 44,8%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch, mục tiêu lợi nhuận cao hơn năm 2020.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, từ cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước khiến các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, tiếp tục chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn. Tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: Công ty CP dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh BĐS Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup… tiếp tục duy trì hoạt động. Hầu hết các sàn giao dịch đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS về cơ bản vẫn ổn định trong nửa đầu năm 2021
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm nay được khối ngoại rót vốn tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng 300 triệu USD. Mức vốn tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 từ 0,6 tỷ USD đến 1,15 tỷ USD. Theo đó, vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản cũng có xu thế tăng dần theo tháng. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản.
Thị trường cơ bản ổn định
Cũng theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định. Nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng “đóng băng”. Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát. Các hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loại thị trường đã được kịp thời chấn chỉnh.
Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành cả nước tạo tâm lý lo ngại thị trường bất động sản sẽ trầm lắng trong quý 2/2021. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường bất động sản tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, Hà Nội... Theo đó, các nhà đầu tư sẽ phát triển nhiều loại hình bất động sản mới nhằm cạnh tranh hơn như: secondhome, farmhome, homestay. Nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn, phong phú hơn. Vị trí, cơ sở hạ tầng quanh dự án cũng như sự phát triển của thành phố nói chung sẽ được người mua quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tại các dự án ở khu vực ngoại thành, bởi không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một căn hộ nội đô chất lượng cao.