Đất nền ven biển phía Nam "chết lặng" vì Covid-19
Ngày đăng: 17-05-2021
Với lợi thế về cảnh quan, khí hậu, đất nền ven biển phía Nam từng hấp lực mạnh mẽ các nhà đầu tư trên cả nước. Thế nhưng hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường này khá trầm lắng.
Tại thành phố biển Khánh Hòa, nhìn chung đất nền khu vực thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh giá đi ngang hoặc giảm 10-20% trong hơn 1 năm qua. Lượng khách quốc tế vốn là thế mạnh của biển đảo Nha Trang thì nay do Covid-19, nguồn khách này vẫn chưa thể phục hồi. Du lịch nội địa dù được kích cầu vẫn không thể bù đắp sự sụt giảm mạnh của du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa trong suốt hơn năm qua. Do đó, thị trường bất động sản Khánh Hòa rơi vào nốt trầm trên khuông nhạc thị trường. Tại Cam Ranh, đất mặt tiền biển Bãi Dài trên đường Nguyễn Tất Thành giá chào bán vẫn dao động 42-47 triệu đồng/m2. Mức giá này vẫn là giá rao bán của thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Những lô đất cách Bãi Dài khoảng 5 phút di chuyển, giá bán vẫn phổ biến ở mức 15-20 triệu đồng/m2. Trường hợp cắt lỗ ghi nhận ở những chủ đất sử dụng đòn bẩy tài chính, giá cắt lỗ giảm từ 2-3 giá so với lúc thị trường “nóng”.
Tại Nha Trang, quỹ đất mặt tiền gần dự án sân bay cũ Nha Trang, những vị trí đắc địa được chào bán 190-200 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm thị trường nóng sốt, theo môi giới địa phương, mỗi m2 đất ở đây có giá không dưới 200 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền đường Hải Nam, Lý Thái Tổ, Đoàn Trần Nghiệp giá vẫn đang đi ngang với mức 50-55 triệu đồng/m2. Đất trong một số khu đô thị ở Nha Trang như Mỹ Gia, Hà Quang, giá rao bán đi ngang. Giá giao dịch thực tế trong năm 2020, có những lô giá giảm 5-10% so với thời điểm lúc mua vào.
Đất nền ven biển phía Nam trầm lắng vì dịch bệnh. Ảnh minh họa
Tại Phú Yên, giá đất tại phần lớn các khu vực cũng không nhúc nhích sau hơn 1 năm dịch bệnh. Đất tại khu dân cư Đồng Mặn vẫn được chào bán ở mức khoảng 600 triệu đồng/lô như 2 năm trước mở bán. Đất view biển ở Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Hòa (Sông Cầu, Phú Yên) vẫn được chào bán ở mức 8-12 triệu đồng/m2. Mức giá này không nhích lên so với thời điểm cuối năm 2019. Tại thành phố Tuy Hòa, đất mặt tiền đại lộ Hùng Vương – một trong những đại lộ sôi động các dự án bất động sản Phú Yên trong những năm gần đây hiện vẫn được giao dịch phổ biến ở mức giá 55-70 triệu đồng/m2 – mức giá của cuối năm 2019.
Tại Quy Nhơn (Bình Định), một trong những dự án từng tạo sóng thị trường trước khi dịch Covid-19 bùng phát là Nhơn Hội New City của chủ đầu tư Phát Đạt cũng đang giao dịch rất chậm. Thời điểm mở bán, các lô đất tại dự án này có mức giá phổ biến khoảng 1,5 tỷ/lô, đến nay, nhà đầu tư muốn ra hàng đều phải chấp nhận bán lỗ. Giao dịch của thị trường tại dự án rất èo uột. Ngay cả đất gần khu du lịch Eo Gió, những lô có vị trí đẹp từng được rao bán mức 32-38 triệu đồng/m2 lúc thời điểm nóng sốt thì giá chào bán từ năm 2020 đến nay cũng chỉ ở mức 28-33 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đất nền ven biển không hoàn toàn một gam màu ảm đạm. Tại Bình Thuận, thông tin thi công sân bay Phan Thiết tiếp tục khiến thị trường đất nền Bình Thuận nổi sóng. Trên thực tế, vào năm 2019, thông tin sân bay đã khiến bất động sản gần sân bay ở Bình Thuận nổi sóng. Cơn sóng sau đó sớm chìm đi, cho đến đầu năm 2021, thông tin sân bay một lần nữa khiến đất nền Bình Thuận tiếp tục sôi động. Trước đó, 1 sào đất nông nghiệp ở đây chỉ có giá 100-300 triệu đồng thì trong cơn sốt, giá lên tới 2-3 tỷ đồng. Thậm chí những vị trí đẹp, giá đất nhảy lên tới 5-6 tỷ đồng/sào. Các lô đất ven biển Bình Thuận cũng “vin” vào thông tin sân bay, giá tăng 50-70% trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi chính quyền vào cuộc cảnh báo sốt đất, đất gần sân bay ở Bình Thuận đã rớt giá không phanh, thị trường không có giao dịch. Đất ven biển cũng sụt giảm mạnh 50% giá so với lúc nóng sốt.
Trao đổi với Batdongsan.com.vn, anh Vũ Thành Dũng, một môi giới chuyên bán đất nền ven biển các tỉnh phía Nam cho biết, dù thị trường đất nền ven biển phía Nam đang trầm lắng, giá đi ngang nhưng nhà đầu tư trường vốn vẫn tin vào sức bật mạnh mẽ của thị trường này khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Cũng theo anh Dũng, những nhà đầu tư cắt lỗ trong bối cảnh này phần lớn là các nhà đầu tư non vốn, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, không còn khả năng trả lãi các nguồn vay. Do đó, khi thị trường trầm lắng, họ buộc phải cắt lỗ để thoát hàng.
Nguồn : batdongsan.com.vn