Làn sóng trả nhà trọ cho thuê khi Covid bùng phát
Ngày đăng: 19-05-2021
Hai năm qua, thị trường nhà trọ Hà Nội không ghi nhận sự tăng giá, thậm chí giá còn sụt giảm ở một số phân khúc. Covid bùng lên ở thời điểm hiện tại khiến thị trường nhà trọ tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn khi buộc phải chứng kiến và chấp nhận một làn sóng trả phòng mới.
Kể từ sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ 3 được kiểm soát, thị trường nhà cho thuê trọ Hà Nội từng bước phục hồi. Thế nhưng mới ổn định lại được tầm 2 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã đẩy thị trường nhà thuê Hà Nội vào cảnh “tiếp tục” khó khăn. Đặc biệt, ở phân khúc giá rẻ hướng tới đối tượng sinh viên, công nhân, người lao động, làn sóng trả phòng diễn ra mạnh.
Phân khúc căn hộ cao cấp, căn hộ dịch vụ hướng tới tầng lớp chuyên gia nước ngoài, người có thu nhập cao vẫn trong tình cảnh ảm đạm kể từ khi dịch bùng vào năm 2020. Môi giới phân khúc này đều phải kiêm nhiệm môi giới thêm mảng khác hoặc chuyển nghề do lượng khách là chuyên gia nước ngoài không sang được Việt Nam. Giá thuê căn hộ chung cư cao cấp hoặc căn hộ dịch vụ giảm 20-30% so với năm 2019 để hút khách nhưng tỉ lệ lấp đầy thấp.
Ở phân khúc căn hộ chung cư mini, vào năm 2020, nhiều chung cư mini ở Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa giảm giá 10-20% nhằm hỗ trợ khách thuê do những khó khăn của dịch bệnh gây ra. Từ cuối 2020, khi dịch bệnh được kiểm soát, giá thuê thiếp lập lại mức cũ là 4,5-8 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức giá thuê ở phân khúc này đi ngang trong 2 năm qua.
Ở phân khúc giá rẻ hướng tới đối tượng sinh viên, công nhân, người lao đông, giá không tăng được trong 2 năm qua, thậm chí sụt giảm nhẹ. Hai năm qua, giá thuê phòng trọ các khu vực Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu, đường Cầu Giấy, Trần Thái Tông (Cầu Giấy) Nguyễn Trãi, Phùng Khoang, Hạ Đình, Khương Đình, Thượng Đình, Triều Khúc (Thanh Xuân), Đình Thôn, Trung Văn, Mễ Trì, Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), Định Công (Hoàng Mai) vẫn dao động phổ biến từ 1,8-2,5 triệu đồng/căn/tháng. Trên thực tế, vào giai đoạn sau Tết 2020, giá thuê phân khúc này từng sụt giảm khoảng 10-15%, sau đó mới dần khôi phục lại mức cũ ở thời điểm dịch bệnh được kiểm soát. Riêng nhà trọ cho công nhân, người lao động tự do thì phần lớn duy trì mức giảm 10% so với trước dịch, phổ biến từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.
Thị trường nhà trọ tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn khi buộc phải chứng kiến và chấp nhận một làn sóng trả phòng mới. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với tốc độ lây lan mạnh và rộng hơn, số ca nhiễm mỗi ngày được ghi nhận nhiều nhất so với các đợt dịch trước đó đã đẩy thị trường cho thuê vào một giai đoạn khó khăn mới. Phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phân khúc nhà trọ giá rẻ hướng tới đối tượng sinh viên, công nhân, người lao động. Dịch bùng khiến nhiều trường đại học chuyển sang hình thức học online, nhiều nhà hàng, cơ sở dịch vụ đóng cửa, người lao động tự do mất việc. Họ chọn giải pháp trả phòng trọ để trở về quê, tiết kiệm chi phí.
Bà Nguyễn Thị Nụ, chủ một khu nhà trọ tại Cầu Giấy cho biết, khoảng 1 nửa sinh viên thuê trọ ở chỗ bà đã trả phòng trọ. Sinh viên chuyển sang học online nên phần lớn đều về quê để học. Trần Hùng Cường, sinh viên Đại học Quốc gia cho biết, cuối tháng 5 sẽ bắt đầu thi học kì, trường cho triển khai cho học online từ đầu tháng cho đến khi có thông báo mới. Do đợt dịch bùng sát với nghỉ hè nên Cường quyết định trả phòng trọ về quê học online. Theo Cường, tình hình dịch bệnh phức tạp nên quá trình học online sẽ kéo dài, nếu có quay lại Hà Nội để thi học kì, cậu sẽ ở nhờ nhà bạn rồi trở về quê nghỉ hè luôn. Cũng theo bà Nụ, để tiết kiệm chi phí, có 3 phòng sinh viên thuê trọ chỗ bà chơi thân với nhau cùng dồn đồ đạc vào 1 phòng, trả 2 phòng còn lại rồi về quê để tiết kiệm tiền.
Một số nhà trọ cho người lao động tự do, công nhân thuê ở Mễ Trì cũng chứng kiến làn sóng trả phòng của người thuê. Ông Vinh, chủ một dãy nhà trọ tại đây cho biết, khu nhà trọ của ông dành cho người bán hàng rong, thu gom đồng nát, bán trà đá hay làm bảo vệ ở các nhà hàng. Dịch bệnh ở Hà Nội phức tạp, họ mất việc hoặc tạm dừng công việc nên đều trả phòng để về quê. Hiện hơn 1 nửa số phòng trong dãy trọ chỗ ông đang trống.
Tại nhiều khu trọ dành cho sinh viên, người lao động tự do cũng diễn ra tình trạng tương tự. Dường như đã quen với những đợt Covid-19 bùng phát trong hơn năm qua, nhiều chủ nhà trọ tỏ ra bình thản dù không giấu vẻ ngán ngẩm, mệt mỏi. Ông Vinh cho biết: “Dịch bệnh phức tạp thế này, giờ có giảm giá cũng không có ai thuê, tốt nhất là đợi dịch bệnh được kiểm soát rồi tính tiếp”. Ông Vinh kì vọng tầm 1-2 tháng nữa, “trạng thái bình thường mới” sẽ được thiết lập lại.
Nguồn: batdongsan.com.vn