Người mua nhà bơ vơ trước áp lực trả lãi từ phía ngân hàng
Ngày đăng: 09-09-2021
Kinh tế khó khăn, không nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng khiến nhiều người mua BĐS tiến thoái lưỡng nan, không tìm được hướng thanh toán khoản nợ giữa vòng xoáy đại dịch.
Khi các ngân hàng "một bước không nhường"
Cách đây mấy tuần, nhận thông báo tăng lãi suất vay với lý do hết thời hạn một năm ưu đãi và sẽ chịu áp dụng lãi suất thả nổi từ tháng sau, chị H.T.T.N (phường 10, Tân Bình) không giấu được muộn phiền vì khó chồng thêm khó. Được biết đầu năm 2020, chị N vay hơn 1 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư, từ mức ưu đãi lãi suất 9,4% hiện chị sẽ phải chịu mức lãi thả nổi là 11,8%. Cả 3 tháng nay gia đình chị gần như không có thu nhập, tình trạng khó khăn có thể kéo đến hết năm nên chị làm đơn gửi phía ngân hàng xin giãn nợ, ân hạn nhưng nhận được câu trả lời ngân hàng chỉ hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp, còn cá nhân thì việc miễn, giảm lãi, phí chỉ áp dụng với những khoản vay phát sinh trước tháng 06/2020 và cũng chỉ giảm được tối đa 0,5%/năm từ nay đến cuối năm. Chị N xin ân hạn nợ gốc và lãi suất cộng dồn vào đầu năm sau nhưng vẫn bị từ chối.
“Câu chuyện khách hàng, doanh nghiệp kêu ca về chuyện gồng mình trả lãi ngân hàng báo chí cũng nói nhiều rồi mà không ăn thua. Cũng chẳng trông mong gì giảm lãi, chỉ cần ân hạn qua thời gian này là đủ. Nhưng với ngân hàng thì chỉ cần trễ hạn 1 ngày là tin nhắn nhắc nhở các kiểu, thu nợ các kỳ không thiếu một xu, hết hạn một năm là lập tức áp dụng lãi suất mới. Bình thường không nói nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay thì chỉ có thể nói là vô cảm”, chị N bức xúc.
Đại dịch Covid-19 đánh đổ mọi kế hoạch kinh tế trước đó khiến không ít người mua nhà như ngồi trên đống vì áp lực thanh toán vay từ khối ngân hàng. Ảnh minh họa
Tương tự, chị N.T.H.H (Phường An Phú, TP. Thủ Đức) cho biết, năm 2019 chị vay 1,5 tỉ đồng để mua nhà với mức trả lãi suất cũ là 8,9%/năm giờ áp dụng lãi suất thả nổi lên gần 12%/năm. Khi chị hỏi nhân viên tín dụng của ngân hàng cho chị làm đơn xin giãn nợ, ân hạn thì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Chị H cho biết nếu trong điều kiện bình thường thì việc ngân hàng làm đúng quy định hợp đồng vay không sai, nhưng hiện tại tình hình nhiều người lao động rơi cảnh thất nghiệp, giảm thu nhập thậm chí không có thu nhập, đến duy trì chi phí sinh hoạt thường ngày đã rất khó khăn, gánh thêm chi phí lãi suất quá lớn, chậm thanh toán ngày nào là phạt ngày đó, ngân hàng không hỗ trợ nào khác gì đẩy nhiều người vay mua nhà rơi vào kiệt quệ.
“Nếu không có dịch thì với thu nhập trung bình của 2 vợ chồng tôi vẫn thanh toán các khoản vay ổm thỏa dù là với lãi suất theo thị trường. Tôi cũng đã có tính toán cẩn thận trước khi mua nhà, chỉ là không lường được thực trạng dịch bệnh sẽ làm kinh tế kiệt quệ như hiện nay. Khoản tiết kiệm đã phải mang ra dùng duy trì sinh hoạt hàng ngày và gửi về cho ông bà dưới quê. Dịch ở nhà mà chi tiêu tăng lên chóng mặt, thu nhập bị cắt giảm. Cứ nói khách hàng sống được thì ngân hàng mới sống được nhưng khách hàng kiệt quệ tới nơi rồi mà ngân hàng không có đến một động thái chia sẻ”, chị H cho hay.
Người vay mua nhà ở đã vậy, nhiều khách hàng vay đầu tư cũng không thoát cảnh khó khăn chất chồng. Ông P.V.Tuấn, một hộ kinh doanh nhà phố cho thuê tại quận 5, TP.HCM cho biết, ông đã vay ngân hàng gần 4 tỷ đồng để đầu tư một mặt bằng nhà phố cho thuê. Trong điều kiện bình thường, số tiền thu từ cho thuê cũng gần đủ đóng lãi suất mỗi tháng nhưng từ khi có dịch, ông đã hỗ trợ hộ thuê giảm gần 50% giá thuê và hơn 3 tháng nay thì ông gần như chỉ thu chưa đến 20% giá nhà. Bản thân ông cũng bị ảnh hưởng thu nhập lớn khi giảm lương và các khoản đầu tư khác đều thua lỗ. Điều này khiến lãi vay mỗi tháng trở thành một gánh nặng.
Người mua nhà rất cần được cứu
Sau 18 tháng sống chung với đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản bắt đầu bộc lộ những ảnh hưởng vốn đã được nhiều chuyên gia dự báo từ sớm. Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, hiện nay nhiều người mua nhà đang mất dần khả năng trả lãi ngân hàng theo tháng. Trong khi đó, đối với nhóm người mua nhà đang đợi bàn giao, đợt thanh toán bàn giao nhà mới đây là 20-30% giá trị sản phẩm, con số không nhỏ khiến nhiều người không có đủ tiền để trả, buộc phải chịu phạt từ 2-3% theo quy định của chủ đầu tư. Một số người đã vay thêm tiền của ngân hàng để đóng tiền cho chủ đầu tư và mắc kẹt trong cảnh lãi chồng lãi.
Thị trường bất động sản đang rất cần những động thái hỗ trợ thiết thực từ phía ngân hàng trước bối cảnh ảnh hưởng từ dịch bệnh có thể kéo dài đến đầu năm 2022. Ảnh minh họa
Rất nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đang gồng mình trả lãi ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, khó khăn bủa vây, thu nhập giảm, doanh thu không có. Việc Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng là quá ngắn trong khi dịch bệnh kéo dài ngoài dự kiến khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ngưng trệ. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến, bàn thảo để nghiên cứu sửa đổi kịp thời các chính sách hỗ trợ khách gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng chưa biết khi nào mới xong.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhìn nhận, trong khi khách hàng vay vốn mua nhà đang kiệt quệ còn ngân hàng vẫn giữ lãi khủng là phản cảm. Việc thực hiện giãn cách xã hội diện rộng khiến hầu hết doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn nhất là thiếu dòng tiền. Trong lúc hầu hết khách vay vốn, kể cả doanh nghiệp và người dân, bị khó khăn và thua lỗ, các ngân hàng cần có động thái hỗ trợ thiết thực hơn. Giảm lãi, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ... để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân là đạo lý kinh doanh mà các ngân hàng thương mại không thể không làm.
Ông Châu cho rằng các ngân hàng nên xem xét giảm khoảng 2%/năm với lãi suất cho vay. Điều này hoàn toàn trong tầm tay của các ngân hàng, chỉ cần ngân hàng chấp nhận chia sẻ với khách vay, thay vì để khách hàng "sống chết mặc bay" tại thời điểm hiện nay. Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022. Đề nghị xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.