NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRƯỚC KHI ĐẶT CỌC MUA BẤT ĐỘNG SẢN
Ngày đăng: 21-02-2020
1. Kiểm tra tính chính danh của chủ nhà: Đối chiếu thông tin chủ nhà như tên, ảnh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân có trùng khớp với thông tin được ghi trên sổ đỏ/sổ hồng không. Nếu có thể để chắc chắn hãy xin photo sổ đỏ/sổ hồng và các giấy tờ pháp lý của chủ nhà và mang đến chính quyền địa phương sở tại để kiểm tra, từ đó xác định chủ nhân ngôi nhà, mảnh đất là ai.
2. Kiểm tra xem nhà, đất có nằm trong diện quy hoạch: Thông tin này có thể kiểm tra tại Phòng Quản lý đô thị hoặc bộ phận kiểm tra quy hoạch tại các Ủy ban nhân dân Quận/Huyện nơi bất động sản bạn có ý định mua.
3. Kiểm tra xem ngôi nhà, mảnh đất có bị cấm giao dịch không: Hãy mang giấy photo chủ quyền nhà đến Phòng Công chứng hoặc Văn phòng công chứng để xác định chính xác tài sản có được giao dịch mua bán hay không.
Một số căn nhà vướng các vụ kiện tụng về tranh chấp tài sản, kê biên thi hành án, thế chấp ngân hàng... sẽ bị ngăn chặn không ký hợp đồng mua bán công chứng được.
Mua bất động sản cần kiểm tra kỹ mọi thông tin cần thiết
4. Trước khi ký hợp đồng đặt cọc cần kiểm tra toàn bộ các điều khoản liên quan: Thông tin nhân thân; địa chỉ nhà; số tờ; số thửa đất; bản đồ vị trí; giá mua; các đợt thanh toán; ngày bàn giao nhà, đất; thuế, lệ phí...
5. Khi ký hợp đồng đặt cọc phải có đủ vợ và chồng/chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
6. Sau khi đã giao tiền cọc cho bên bán phải có biên bản xác nhận giao nhận tiền/tài sản đặt cọc hoặc uỷ nhiệm chi của ngân hàng.
ĐỐI VỚI HỢP DỒNG ĐẶT CỌC BẠN CẦN LƯU Ý:
1. Số tiền đặt cọc bao nhiêu là hợp lý ?
Luật không quy định cụ thể phải đặt cọc bao nhiêu thì hợp đồng mới có hiệu lực, tuy nhiên theo các chuyên gia pháp lý, chỉ nên đặt cọc không quá 20% giá trị của căn nhà, mảnh đất để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên
2. Nội dung và hình thức của hợp đồng đặt cọc mua nhà.
Theo các luật sư, khi đặt cọc, về hình thức có thể viết tay hoặc đánh máy, có chữ ký của bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng, đồng thời nên có thêm người làm chứng hợp đồng đặt cọc.
Nội dung, hợp đồng đặt cọc gồm những nội dung cơ bản sau:
- Thông tin bên bán, bên mua. Xác định chính xác chủ sở hữu hợp pháp của bên bán (có vợ/chồng/con cái/người thừa kế/người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tới tài sản được bán hay không?).
- Tài sản mua bán. Giấy tờ pháp lý của tài sản, hiện trạng tài sản, thông tin quy hoạch, tranh chấp,… liên quan tới căn nhà, mảnh đất dự định mua bán.
- Quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa 2 bên mua và bán.
- Tài sản đặt cọc.
- Thời hạn đặt cọc. Nên định rõ và cụ thể mốc thời gian đặt cọc và tiến độ ký kết hợp đồng mua bán chính thức, thời gian thanh toán.
- Các khoản thuế phí nào mà bên bán và bên mua phải chịu.
- Các khoản ràng buộc liên quan. Chẳng hạn, khi đến thời gian bàn giao nhà, đất mà bên bán không bàn giao nhà hoặc đất cho bên mua thì sẽ phải trả lại tiền đặt cọc và 1 khoản tiền tương đương với giá trị đặt cọc hoặc một số tiền lớn hơn (gọi là tiền phạt cọc) tùy theo thỏa thuận của 2 bên được ghi rõ trong hợp đồng đặt cọc.
3. Có cần công chứng hợp đồng đặt cọc
Pháp luật không quy định bắt buộc phải thực hiện việc công chứng đối với hợp đồng đặt cọc.
Nếu không công chứng, hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật theo điều 328, Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng đặt cọc.