Thủ đô trà và miền khí hậu tuyệt vời - giá trị không thể nhân tạo
Ngày đăng: 18-11-2021
Bảo Lộc từ xưa được mệnh danh là “thủ đô trà” của phương Nam với diện tích hơn 9.200 ha. Chính ở nơi này, những cây chè đầu tiên bắt đầu được người Pháp trồng vào thập niên 30 của thế kỷ trước, để rồi sau đó, Bảo Lộc trở thành thủ phủ của cây chè.
Hai trong số những điều làm nên vẻ đẹp đặc trưng của Bảo Lộc chính là những đồi trà xanh mướt quanh co thơ mộng như tranh và tiết trời quanh năm mát mẻ. Đây là món quà vô giá thiên nhiên đã ban tặng cho Bảo Lộc nói riêng và con người nói chung. Đây cũng chính là đặc điểm đưa Bảo Lộc vào danh sách những nơi an cư lý tưởng cho các gia đình yêu thích lối sống cân bằng về thể chất và tinh thần (wellness).
Thủ phủ của cây trà
Đất đỏ bazan ở độ cao chừng hơn 800 mét của xứ B’Lao (Bảo Lộc) xưa rất thích hợp với cây chè và cà phê. So với đất đồi son đỏ ở vùng chè Thái Nguyên thì cây chè ở Bảo Lộc khỏe hơn và phát triển nhanh. Tuy không có cái ngọt vị cốm đặc sắc của chè Thái nhưng chè Bảo Lộc lại sở hữu nét ưu việt riêng: vị ngọt hậu tự nhiên từ những búp chè thô khi mới hái về.
Người Mạ ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và Di Linh chính là tộc làm trà đầu tiên khi người Pháp cho gieo trồng trên đất họ sinh sống. Người Mạ có câu hát về những vườn chè: “Trong đồng nội, ngàn cỏ tranh thổi bụi/ Chốn rừng thưa, êm phủ thảm nhung/ Chốn R’ling cất cánh bay hương...”.
Tuy nhiên, cây chè ở Bảo Lộc phát triển mạnh nhất là vào đầu thập niên 50 khi người Bắc di cư vào nam và lên khai khẩn Tây Nguyên. Những đồi chè chạy dọc trục đường quốc lộ mọc lên nhằm thuận tiện giao thông đưa chè về Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Sau này, người ta còn xây cả xưởng chế biến chè tại chỗ. Họ đóng gói trà mộc rồi chở đi cho các nơi chế biến hay ướp hương thành phẩm.
Đồi chè Bảo Lộc nhìn từ trên cao. Trong ráng chiều, không gì tuyệt vời hơn nghe mùi sao trà thơm và ấm nóng trong không khí se lạnh
Một thời nhà nhà đua chen trồng chè và chế biến tạo nên những hương vị khá phong phú cho vùng chè Bảo Lộc. Trục đường quốc lộ 20 nườm nượp những đoàn xe đón những bao tải chè đưa về lục tỉnh. Một vương quốc chè B’Lao hình thành. Người ta còn ví trục đường Trần Phú kéo dài từ cuối đèo Bảo Lộc tới ngã ba đường Lê Hồng Phong là con đường thơm.
Sau này những đồi chè phát triển rộng khắp và bám theo dòng sông Da R’Nga cùng những con suối lớn chảy quanh để lấy nước tưới tiêu. Những đồi chè tạo nên bông hoa khổng lồ xanh mướt mơ cánh rộng tới 20 cây số bao quanh thành phố Bảo Lộc. Nếu đi dọc trên trục đèo Bảo Lộc dài chừng mươi cây số, du khách có thể ngắm nhìn những đồi chè điệp trùng trong sương bay.
Ở xứ sở này, cây chè lặng lẽ với thời gian, len vào cuộc sống của mỗi con người, của mỗi gia đình, từng góc vườn, ngõ phố. Người làm chè, chế biến trà Bảo Lộc đã bao lần lên hương và cũng bao phen khốn đốn với nghề … Một bài hát về Bảo Lộc gợi nhớ đến biểu tượng chiếc bình trà khi đặt chân vào thành phố: “Mênh mông một màu xanh/ Bạt ngàn đồi nương, ngan ngát hương trà/ Trong sương sớm bồng bềnh/ Thơm mãi môi người vị chát đầy yêu thương”.
Thiên nhiên khoản đãi
Khí hậu góp phần không nhỏ vào việc phát triển và ủ hương cho những búp chè Bảo Lộc. Mặc dù nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nhưng do ở độ cao trên 800 m và tác động của địa hình nên tiết trời Bảo Lộc ôn hòa quanh năm. Không quá lạnh như Đà Lạt, nhiệt độ trung bình của Bảo Lộc dao động quanh khoảng 21-22°C, thích hợp cho nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc những gia đình chọn an cư bằng lối sống xanh, cân bằng.
Chính nhờ hệ thống thác, suối, hồ đa dạng, rừng nguyên sinh bạt ngàn và việc không khai thác du lịch, phát triển công nghiệp qua mức đã giúp cho Bảo Lộc giữ vững vị thế “cao nguyên xanh” suốt trăm năm qua. Con người Bảo Lộc ôn hòa, chất phát và để lại ấn tượng bởi nụ cười luôn thường trực trên môi.
Khí hậu mát mẻ, không ồn ào là nguồn tài nguyên vô giá của Bảo Lộc
Bảo Lộc nằm trập trùng giữa đồi núi mênh mông xanh ngát, bây giờ đã lên thành phố, thay da đổi thịt với nhiều dự án, quy hoạch nhưng du khách vẫn quen gọi nơi ấy là phố núi B’lao. Tên gọi nhẹ nhàng như nếp sống thong thả nơi đây. Chính vì thế, các khu đô thị, các dự án và công trình kiến trúc của Bảo Lộc được quy hoạch theo yêu cầu tạo được nét đặc thù, có cảnh quan kiến trúc, khu vui chơi, giải trí sao cho không phá vỡ cảnh quan và khí hậu - nguồn tài nguyên vô giá của vùng đất này.
Nếu như Đà Lạt đang đối mặt bài toán khó về phát triển du lịch thiếu đồng bộ với sự đầu tư, nâng cấp về các điểm tham quan, hạ tầng cơ sở,… thì Bảo Lộc lại đang vươn mình lên trở thành “thỏi nam châm” mới về du lịch của vùng kinh tế Tây Nguyên. Lượng khách du lịch đến Bảo Lộc không ngừng tăng qua các năm. Năm 2020, lượng du khách đến Bảo Lộc tham quan, nghỉ dưỡng tăng đến 126% so với cùng kỳ năm trước.
Biệt thự độc bản The Emerald
Bảo Lộc hiện có 127 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó có, 1 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao, 18 khách sạn 1 sao, còn lại là nhà nghỉ du lịch. Du khách đến với Bảo Lộc sẽ được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, thắng cảnh đẹp, nguyên sơ. Tại Bảo Lộc, du khách được tận hưởng không gian nghỉ dưỡng hòa mình thiên nhiên, tránh xa được khói bụi ồn ào thành phố.
Nhờ hội tụ tất cả những thế mạnh trên, Bảo Lộc đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho hình thức “second home” phục vụ du lịch trải nghiệm, khai thác kinh doanh homestay/ khách sạn hoặc làm tài sản tích lũy dài hạn cho tương lai. Đầu tư vào dự án bất động sản nghỉ dưỡng Bảo Lộc thời điểm này là đầu tư cho tương lai vì giá cả còn tương đối mềm.
Nguồn: batdongsan.com.vn